Giấc ngủ là sợi dây vàng liên kết sức khỏe và cơ thể

Theo một câu tục ngữ của Ailen, “Có tiếng cười thoải mái và có giấc ngủ ngon là những cách điều trị tốt nhất theo chỉ dẫn của bác sĩ.” Làm cha làm mẹ, ai cũng mong con mình ăn thật khỏe, ngủ thật ngoan để có một sức khỏe tốt. Ngủ đủ giấc trẻ sẽ thông minh hơn, vì giấc ngủ giúp khôi phục lại năng lượng cho cơ thể, giúp các hoạt động hàng ngày của trẻ được liên tục và hiệu quả. Hiểu rõ những “bí mật” về giấc ngủ của trẻ sẽ giúp mẹ dễ dàng tập cho bé ngủ theo “thời khóa biểu” với những khoảnh khắc yên tĩnh cùng với nhau, đồng thời biết cách kích thích các giác quan của bé, giúp bé ngủ nhiều hơn và phát triển khỏe mạnh hơn.

Giấc ngủ sâu quyết định sự phát triển toàn diện của bé nhỏ

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí não, đặc biệt là đối với bé nhỏ. Ba năm đầu tiên của cuộc đời là quãng thời gian đặc biệt nhạy cảm trong mối quan hệ giữa giấc ngủ và sự phát triển trí não. Thời gian ngủ dài hay ngắn không quan trọng, chất lượng giấc ngủ của bé mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển của bé.

Bé ngủ sâu, ngon giấc sẽ hấp thu oxy, năng lượng và sản sinh hormone tăng trưởng nhiều hơn có lợi cho sự phát triển thể chất và não bộ. Từ đó, bé sẽ có tâm trạng thoải mái, chơi đùa vui vẻ và lớn lên khỏe mạnh.

Ngược lại, nếu bé ngủ không ngon giấc hoặc bị thiếu ngủ, cơ thể bé tiết ra những chất hóa học gây mất cân bằng khiến bé cáu gắt, quấy khóc, mệt mỏi; về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển trí tuệ.

Thời gian ngủ cho trẻ theo từng độ tuổi

Trẻ sơ sinh

Thông thường, ở giai đoạn trẻ sơ sinh thì giấc ngủ của trẻ có thể nói là nên “thuận theo tự nhiên”, nghĩa là trẻ muốn ngủ thì cứ ngủ, muốn bú sữa thì cho bú, người lớn hầu như không cần thiết phải can thiệp quá nhiều. Tuy vậy, đây cũng được xem là thời kỳ then chốt giúp trẻ hình thành quy luật ngủ khoa học. Do đó, bố mẹ có thể chủ động phân chia thời gian ngủ ban ngày và đêm một cách thích hợp với độ tuổi của trẻ, sau đó cứ đến đúng giờ thì hãy cố gắng dỗ dành để trẻ đi vào giấc ngủ, dần dần hình thành đồng hồ sinh học tích cực về sau.

Trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi

Ở giai đoạn trẻ sơ sinh, thông thường vào ban đêm nên cho bé bú 2 – 3 lần, ban ngày chia thành 3 – 4 giấc ngủ ngắn. Tuy nhiên, đến khoảng 3 – 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nảy sinh hứng thú với các đồ vật xung quanh (ánh sáng, âm thanh, màu sắc…) nên luôn khiến trẻ có cảm giác không muốn ngủ, khó chịu, khóc quấy. Lúc này, bố mẹ không nên cho trẻ bú hay bồng bế vì có thể gây kích thích và trở ngại cho quá trình luyện tập thói quen tự ngủ của trẻ. Cách tốt nhất là hạn chế các vật gây hưng phấn cho trẻ, tạo một môi trường thích hợp ít bị tác động từ bên ngoài để trẻ dễ dàng tự đi vào giấc ngủ.

Trẻ bắt đầu ăn dặm

Ở giai đoạn mà trẻ bắt đầu có thể ăn dặm thì mê nên dần dần cai sữa đêm cho trẻ. Khoảng 6 – 7 tháng tuổi thì giảm còn 1 lần sữa đêm, cho đến 9 tháng tuổi thì hoàn toàn bỏ hẳn thói quen bú sữa ban đêm cho trẻ. Khi trẻ được 10 tháng tuổi, cơ bản là có thể để trẻ ngủ ngon giấc cho đến sáng, thường là khoảng 6 tiếng trở lên.

Trẻ sau 1 tuổi

Theo sự tăng dần của độ tuổi, đa số trẻ sẽ rút ngắn thời gian ngủ vào ban ngày (bố mẹ nên ý thức chủ động rèn luyện thói quen không ngủ ngày cho trẻ). Cho đến khi trẻ được 1 tuổi rưỡi thì có thể hoàn toàn chấm dứt thời gian ngủ ngày, chỉ cần buổi trưa cho trẻ ngủ một giấc nhỏ (khoảng 2 tiếng) và ban đêm có thể ngủ tròn giấc khoảng 10 tiếng là được. Trẻ được 3 – 4 tuổi thì giấc ngủ trưa sẽ rút ngắn hơn.

 

Mẹ đã biết cách để bé ngủ tròn giấc ?

Để trẻ ngủ ngon giấc cần phải giảm tối thiểu các kích thích của ngoại cảnh lên hệ thần kinh trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh tiếng ồn và ánh sáng vì chúng làm giấc ngủ trẻ không sâu và dễ thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như để trẻ đói hoặc ăn quá no, không vệ sinh thân thể, quần áo quá chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn chật và không thông thoáng đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ.

Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, có thể bắt đầu bằng việc tắm nước ấm cho trẻ, sau đó cho bú và tắt đèn đi ngủ. Những bài hát ru là điều tuyệt vời trong một vài tuần đầu tiên nhưng dần dần, trẻ nhỏ cần học cách tự đi vào giấc ngủ.

Sau 2 tháng tuổi, trẻ cần ít thời gian ngủ ngắn thường xuyên hơn vào ban ngày và có nhu cầu hoạt động vui chơi nhiều hơn để đảm bảo sự phát triển đầy đủ về mặt xã hội, thể chất và tinh thần. Vì vậy, lời khuyên dành cho các mẹ là hãy điều chỉnh thói quen vui chơi và ăn của trẻ một lần trong từng đợt phát triển của trẻ.

Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm), cần phải đưa bé đến gặp bác sĩ, tuyệt đối không được dùng thuốc ngủ khi chưa có ý kiến bác sĩ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ. Ở trẻ em, cần lưu ý đến các rối loạn giấc ngủ có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thường đi kèm với tình trạng chán ăn, giảm ăn, giảm bú, nôn ói, chậm lớn.

Hiểu về giấc ngủ của trẻ sẽ giúp cha mẹ đỡ vất vả hơn trong quá trình nuôi con đồng thời có thể tạo lập thói quen ngủ một cách khoa học cho con ngay từ khi còn nhỏ. Mong rằng bài viết sẽ mang lại cho bố mẹ những kiến thức bổ ích trong việc nuôi dạy con cái.

All in one